Đã qua giai đoạn cần chiếc bánh mì, chai nước suối. Khi bão, lũ đi qua, chỉ còn lại những đống đổ nát, bây giờ chính là lúc bà con cần tiền và sinh kế để tái thiết cuộc sống.
‘Bà con cần tiền’
Anh Phi Hồng Huy, một chủ doanh nghiệp ở TP. Lào Cai, tâm sự, hơn 30 năm sống ở thành phố này, lần đầu tiên anh chứng kiến một cơn bão có sức tàn phá khủng khiếp đến thế.
Là một người quan tâm tới các hoạt động cộng đồng, anh Huy lên kế hoạch sẽ góp sức và kêu gọi mọi người chung tay giúp bà con địa phương phục hồi sau thiên tai. Với uy tín và cách làm của mình, anh Huy nhận được nhiều sự tin tưởng của bạn bè, đồng nghiệp. Tính đến nay, anh đã nhận được số tiền hơn 300 triệu từ các cá nhân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, như đã tính toán từ trước, anh không dồn số tiền này để mua thực phẩm như nhiều nhóm thiện nguyện khác.
“Tôi dành 20 triệu để tặng 20 suất quà cho bà con. Số tiền còn lại, 300 triệu đồng, tôi chuyển cho Thành đoàn TP. Lào Cai. Chúng tôi sẽ cùng nhau lựa chọn một số gia đình cần xây lại nhà để hỗ trợ. Hiện tại, Thành đoàn đang tiến hành xem xét để hỗ trợ bà con nhanh nhất có thể”.
Anh Huy cho biết, lý do anh chọn giai đoạn này để hỗ trợ người dân vùng lũ là vì anh chứng kiến từng đoàn xe cứu trợ nối đuôi nhau ứng cứu trong những ngày “nước sôi lửa bỏng” nhưng giai đoạn tái thiết sau đó thì ít người nghĩ tới.
“Bão qua đi, hàng trăm nghìn ngôi nhà bị đánh sập, hư hỏng. Thứ bà con cần nhất là tiền để xây sửa lại nhà, mua mới các đồ dùng, trang thiết bị. Thực phẩm cứu trợ cũng rất quý nhưng nó chỉ phù hợp với giai đoạn đầu” – anh Huy nói.
Chia sẻ về giai đoạn tái thiết sau bão lũ, chị Trương Thị Vân Anh, Bí thư Thành đoàn TP. Lào Cai (tỉnh Lào Cai) xác nhận, Thành đoàn đã nhận được số tiền 300 triệu đồng của các mạnh thường quân nhóm anh Huy và đang chờ đợi thành phố tìm quỹ đất cho các gia đình bị mất nhà và sụt lún.
“Để đảm bảo an toàn cho bà con, nhà mới không được phép xây dựng trên nền đất cũ. Vì thế, hiện chỉ có các gia đình có sẵn đất mới được phép xây nhà mới. Các gia đình còn lại đang chờ thành phố tìm quỹ đất để xây mới” – chị Vân Anh cho biết.
Nữ bí thư cũng chia sẻ, hiện tại bà con đang rất cần tiền mặt, con giống, cây trồng để tái thiết cuộc sống. Theo thống kê, chỉ tính riêng TP. Lào Cai đã có vài trăm ngôi nhà bị sập hoàn toàn, hàng nghìn ngôi nhà bị sụt lún, chưa kể nhiều gia đình đang phải di chuyển ra khỏi nhà vì xuất hiện các vết nứt, kể cả là những ngôi nhà mới xây kiên cố.
“Nói là thành phố nhưng chúng tôi vẫn có những xã đặc biệt khó khăn, thậm chí có những thôn 100% là đồng bào dân tộc thiểu số và thuộc diện khó khăn nhất của tỉnh” – chị Vân Anh cho biết.
Là một trong số các nhóm mạnh thường quân tích cực trong việc hỗ trợ bà con vùng lũ khắc phục hậu quả thiên tai, nhóm thiện nguyện Nhân Ái hiện đã kêu gọi được hơn 1 tỷ đồng tiền mặt. Chị Nguyễn Thị Kim Thoa – đại diện nhóm cho biết, mọi người dự kiến sẽ dùng số tiền này vào việc tạo sinh kế cho người dân ở 2 xã vùng sâu vùng xa thuộc tỉnh Yên Bái. Cụ thể, nhóm sẽ mua cây giống, vật nuôi, gạo để trao tặng các hộ gia đình và đồ dùng học tập tặng học sinh.
“Hiện tại, việc kêu gọi gây quỹ vẫn đang tiếp tục. Nếu số tiền tăng lên, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 là tái thiết. Cụ thể là xây dựng một điểm trường ở tỉnh Cao Bằng đã bị hư hại hoàn toàn sau bão. Đây đều là những địa phương khó khăn nhất, đường vào rất xấu nên ít nhận được đồ cứu trợ của cộng đồng”.
Tạo sinh kế cho bà con
Chị Thoa cho biết, trước đây, trong trận bão lịch sử năm 2020, nhóm thiện nguyện của chị từng hỗ trợ con giống, cây trồng cho hơn 400 hộ gia đình bị thiệt hại nặng.
“Tôi nhớ thời điểm đó là vào tháng 11/2020. 12.600 con giống gồm lợn, gà, ngan đen và hơn 6 tấn cám, 100 chiếc chăn ấm cùng nhiều vật dụng khác đã được trao tặng cho 414 hộ gia đình và đồn Biên phòng Hướng Lập, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Theo tính toán của chúng tôi, số vật nuôi ấy sẽ giúp bà con có thực phẩm kịp ăn Tết và có tiền bán gia cầm để sắm một cái Tết cơ bản.
Thời điểm đó, Đồn trưởng đồn Biên phòng Hướng Lập cho biết, chúng tôi là đoàn đầu tiên trao tặng con giống cho bà con trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”.
Chia sẻ về câu chuyện tái thiết cuộc sống sau bão, ông Nguyễn Đỗ Tùng Cương, trưởng nhóm thiện nguyện Nhân Ái, đồng thời cũng là Chủ tịch Hiệp hội Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Việt Nam cho biết, khi lũ lụt xảy ra, nhiều nhóm thiện nguyện rất tích cực hỗ trợ người dân nhưng chưa tìm hiểu kỹ lưỡng tình hình thực tế ở địa phương nên rất nhiều trường hợp không nắm bắt được nhu cầu thực sự của người dân.
Nhiều nhóm cũng không liên hệ và phối hợp với lực lượng chức năng đang trực tiếp tham gia ứng phó nên không nắm bắt được điều kiện giao thông, rủi ro sạt lở đất hoặc ngập lụt trên đường đi cứu trợ. Các nhóm hầu như cũng chưa có sự liên hệ, phối hợp với nhau nên tập trung quá nhiều vào cùng một địa phương, gây ra sự lãng phí, dư thừa.
Trong khi đó, nhiều nơi khác người dân lại không nhận được sự hỗ trợ của nhóm nào. Ngoài việc hỗ trợ ứng phó khẩn cấp ban đầu, việc xác định được người dân thực sự cần gì để phục hồi cuộc sống sau bão lũ là điều hết sức quan trọng.
“Theo tôi, việc hỗ trợ bà con vùng bão lũ cần chia thành 4 giai đoạn. Giai đoạn chuẩn bị trước thiên tai: Căn cứ dự báo để dự liệu ảnh hưởng với từng địa hình như đồng bằng, đồi núi… và xác định trước nguồn lực tình nguyện, nguồn cung cấp các vật dụng, nhu yếu phẩm như áo phao, xuồng, thực phẩm, thuốc men…
Giai đoạn hỗ trợ ứng phó trong thiên tai: Các nhóm phối hợp với các lực lượng chức năng để hỗ trợ cứu nạn cứu hộ, sơ tán, vận chuyển… Giai đoạn hỗ trợ khắc phục hậu quả ngay sau thiên tai là thời điểm cung cấp thực phẩm, thuốc men, vật phẩm thiết yếu… Giai đoạn cuối là hỗ trợ tái thiết cuộc sống: cung cấp con giống, cây giống, vật dụng…
Việc này thật sự cần có sự liên hệ, phối hợp và chung tay của các nhóm tình nguyện và thiện nguyện để hoạt động hỗ trợ người dân được phối hợp triển khai hiệu quả hơn, tránh lãng phí nguồn lực và tránh việc hỗ trợ không đồng đều.
Sau lần thực hiện chương trình hỗ trợ hiệu quả người dân tái thiết cuộc sống sau bão lụt ở Quảng Trị năm 2020, năm nay chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ bà con theo phương thức mà chúng tôi thấy người dân rất cần nhưng nhiều nhóm vẫn chưa quan tâm thực hiện là cung cấp sinh kế cho bà con, hỗ trợ xây dựng lại những cơ sở vật chất hư hỏng, đặc biệt là các điểm trường mầm non, tiểu học.
Tới đây, chúng tôi dự định sẽ liên hệ các nhóm thiện nguyện và tình nguyện để tổ chức gặp và cùng trao đổi cách thức phối hợp trong công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai”, ông Cương nói.