Trong sáng và trưa 6.9, tại các chợ dân sinh và siêu thị tại Hà Nội, người dân đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ trước siêu bão Yagi. Nhiều quầy hàng thực phẩm tươi sống, rau xanh gần như trống trơn.
Chợ đông như 30 tết
Nghe tin cơn bão số 3 đã nâng cấp thành siêu bão (siêu bão Yagi), có khả năng ảnh hưởng đến Hà Nội, 6 giờ 30 sáng nay, chị Nguyễn Hà Liên, ở Quan Hoa, Q.Cầu Giấy vội vã chạy ra chợ mua thực phẩm dự phòng. “Tôi ra đến chợ cóc gần nhà mà thấy đông bất thường, mua bán tấp nập cứ như sáng 30 tết. Hàng rau nào cũng sạch bách, chỉ còn sót lại mấy quả cà chua, hành tây. Tôi đi 1 vòng cuối cùng cũng mua được 2 kg cà chua giá 30.000 đồng và 1 miếng thịt ba chỉ”, chị Liên cho hay.
Sau khi đến công sở, nghe các đồng nghiệp kháo nhau mua thực phẩm chống bão, chị Phương Hoàng Hậu, nhân viên văn phòng ở Q.Cầu Giấy mới hốt hoảng vì chưa kịp mua gì. Chị Hậu chia sẻ: “Cuối giờ sáng nay, tôi xin nghỉ sớm chạy ra siêu thị gần công ty mua ít thực phẩm. Rau củ hết sạch, trên kệ còn sót lại đúng mớ cần tây. May sao thịt, trứng, mì tôm vẫn còn. Cẩn tắc vô áy náy, mưa to gió lớn ở nhà 2 ngày cuối tuần có thực phẩm sẵn trong tủ lạnh cũng yên tâm. Còn hơn tới lúc bão đến trở tay không kịp, còn không có bão thì càng mừng, mấy hôm không phải lo đi chợ”.
Kinh ngạc bởi sức mua của người tiêu dùng trước siêu bão, chị Nguyễn Thị Hiền, tiểu thương bán gà tại chợ Vĩnh Tuy (Q.Hai Bà Trưng), cho hay: “Từ sáng đến giờ khách đặt mua gà tăng gấp 3 lần ngày thường, tôi đã phải gọi điện cho mối giao gà tăng thêm 50 con bán buổi chiều. Từ sau dịch Covid-19 đến giờ mới thấy người dân mua bán tấp nập đến vậy”.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều ý kiến cho rằng, người dân không nên lo lắng thái quá, đổ xô đi mua thực phẩm tích trữ gây nên hiệu ứng đám đông, càng khiến các tiểu thương đẩy giá lên cao.
Đến trưa nay, nhiều rau xanh, thực phẩm đã được các siêu thị nhập hàng lấp đầy, lượng khách đến mua cũng giảm bớt.
Siêu thị tăng lượng hàng dự trữ, giá không đổi
Ghi nhận tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, sức mua của người dân đều tăng cao so với ngày thường.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó tổng giám đốc Chuỗi siêu thị Winmart, cho biết hệ thống siêu thị này đã lên kế hoạch để đảm bảo đầy đủ hàng hóa, thực phẩm thiết yếu, thực phẩm khô dự trữ. Trong đó, điều chỉnh kế hoạch cung ứng với các nhà cung cấp, đặt hàng sớm để tránh tình trạng thiếu hụt hàng hóa trong trường hợp bão làm gián đoạn quá trình vận chuyển hàng hóa từ kho trung tâm về điểm bán; đưa ra các biện pháp đối phó như thay thế nguồn hàng nhưng vẫn qua quy trình kiểm soát để đảm bảo chất lượng.
Trong sáng 6.9, lượng hàng nhập về tăng từ 200 – 300%, lượng khách đến siêu thị mua sắm tăng mạnh 300% so với ngày thường. “Các loại thực phẩm tươi sống như thịt, rau củ có xu hướng lưu trữ lâu; các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, mì gói… là những mặt hàng được tiêu thụ nhiều nhất. Chúng tôi cũng đã chủ động làm việc với nhà cung cấp và dự trữ tăng thêm 30% các nhóm hàng thực phẩm tươi sống”, ông Dũng nói.
Đại diện hệ thống siêu thị Co.opmart khu vực phía bắc cho biết, cách đây 2 ngày, khi tiếp nhận thông tin dự báo thời tiết, hệ thống đã chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 so với ngày thường. Các mặt hàng được tăng cường dự trữ bao gồm rau xanh, củ quả, gạo, mì ăn liền, bún ăn liền, đường, dầu ăn, bột ngọt…
Ghi nhận tình hình kinh doanh, trong sáng nay 6.9, hệ thống Co.opmart có sức mua cao hơn khoảng 30% so với ngày thường. Nhân viên siêu thị túc trực tại các gian hàng, quầy thu ngân, kho bãi… để nhanh chóng bổ sung, không để khách hàng chờ đợi.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc siêu thị Big C Thăng Long, hệ thống siêu thị này ghi nhận lượng khách tăng cao từ chiều 5.9 cho đến sáng nay. Hệ thống siêu thị Big C đang làm việc với các nhà cung cấp để tăng lượng hàng trước và sau bão với giá cả bình ổn. Sản lượng hàng hóa tới thời điểm này tăng 100% so với ngày thường. Nguồn cung đủ, thoải mái để người dân mua sắm. Mặt hàng được khách chọn mua là rau, củ quả và thực phẩm tươi sống.
Để ứng phó với siêu bão Yagi, Sở Công thương Hà Nội đã chuẩn bị nguồn hàng hoá, nhất là các loại nhu yếu phẩm cần thiết, với tổng giá trị hàng trăm tỉ đồng. Sở sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp bảo đảm cung ứng, hỗ trợ người dân các địa phương trong trường hợp xảy ra mưa lũ, chia cắt, cô lập.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước vừa có công điện gửi 15 cục dự trữ Nhà nước khu vực chuẩn bị ứng phó với siêu bão Yagi. Theo đó, các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Hà Nội, Tây Bắc, Vĩnh Phú, Hoàng Liên Sơn, Bắc Thái, Hà Bắc, Hải Hưng, Đông Bắc, Thái Bình, Hà Nam Ninh, Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh, Bình Trị Thiên, Đà Nẵng, Nghĩa Bình được yêu cầu tổ chức trực ban 24/24 giờ, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin diễn biến của cơn bão để kịp thời có biện pháp phòng, chống ảnh hưởng của bão, mưa lũ gây ra. “Các đơn vị tăng cường kiểm tra kho, hàng dự trữ quốc gia; triển khai biện pháp phòng, chống để đảm bảo an toàn về người, tài sản và hàng dự trữ quốc gia. Cục Dự trữ có phương án chủ động, phối hợp với chính quyền địa phương sẵn sàng ứng phó, khắc phục, xử lý, giải quyết kịp thời mọi tình huống xảy ra tại kho hàng, trụ sở cục dự trữ”, Tổng cục Dự trữ Nhà nước yêu cầu. Cục trưởng các cục dự trữ Nhà nước khu vực đang thực hiện nhập, xuất hàng dự trữ quốc gia chủ động có kế hoạch triển khai thực hiện nhập, xuất hàng đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, tài sản và chất lượng hàng hóa. Tổng cục Dự trữ Nhà nước cũng yêu cầu các đơn vị có kế hoạch, phương án chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, phương tiện, hàng dự trữ quốc gia để tổ chức xuất cấp kịp thời hàng dự trữ quốc gia, hỗ trợ các địa phương ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ theo quyết định của cấp có thẩm quyền. |
Theo Báo Thanh niên