Search
Close this search box.

Cứu trợ lũ lụt, đừng để nơi “no dồn”, nơi “đói góp”

Các đoàn cứu trợ lũ lụt và các địa phương cần có giải pháp phân bổ hợp lý để tránh tình trạng nơi nhận quá nhiều, nơi lại không có gì.

Còn nhớ mùa lũ năm 2020, thiệt hại trải rộng với rất nhiều vụ sạt lở núi, vùi lấp người từ Thừa Thiên Huế cho đến Quảng Nam gần như cùng lúc, tương tự như tình hình đang diễn ra ở các tỉnh miền núi phía Bắc hiện nay.

Khi đó, những “điểm đến” tang thương như Trà Leng (Trà My) và Phước Sơn của tỉnh Quảng Nam – nơi có nhiều người chết và mất tích – trở thành mục tiêu hỗ trợ hàng đầu của các đoàn cứu trợ.

Thậm chí, hơn 2 tháng sau khi xảy ra các vụ lở núi, vẫn có rất nhiều đoàn thiện nguyện từ khắp nơi trong cả nước tìm đến Trà Leng, Phước Sơn. Tại thời điểm ấy, ngoài tiền mặt, các gia đình nhận được nhiều gạo, mì tôm và nhu yếu phẩm nhiều đến mức nửa năm sau vẫn chưa dùng hết.

Tuy nhiên, điều đáng nói là cùng lúc đó, có nhiều “điểm đến” khác xung quanh cũng chịu mất mát, thiệt hại không kém. Nhưng do không được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, các địa phương này không nhận được sự chú ý của các đoàn cứu trợ.

Điều này dẫn đến tình trạng nơi “no dồn”, nơi “đói góp”, khiến người dân so bì, buồn tủi… Vì nơi thì nhận được rất nhiều, nơi thì gần như không có gì ngoài những phần hỗ trợ ít ỏi từ chính quyền địa phương.

Chuyện này không chỉ xảy ra trong mùa mưa lũ năm đó, mà còn là thực trạng chung của rất nhiều mùa mưa lũ trước đây ở các tỉnh miền Trung. Và có nguy cơ lặp lại trong những ngày này tại các tỉnh miền núi phía Bắc.

Ví dụ như Làng Nủ, một “điểm đến” dễ trở thành ưu tiên hàng đầu cho các đoàn thiện nguyện khi lập kế hoạch cứu trợ. Vô tình, các đoàn thiện nguyện sẽ nối đuôi nhau tìm đến, thậm chí gây ùn tắc. Trong khi đó, còn rất nhiều nơi khác dù không được “ưu tiên” trên báo chí, nhưng người dân ở đó lại đang thực sự cần sự giúp đỡ.

Việc nhiều đoàn cứu trợ cùng tập trung vào một điểm vào thời điểm này còn dẫn đến tình trạng dư thừa nhu yếu phẩm, trong khi những nhu yếu phẩm có hạn sử dụng ngắn như bánh chưng, bánh tét, suất cơm… nếu không dùng hết sẽ phải bỏ đi, gây lãng phí nguồn lực và cả tình cảm của đồng bào cả nước.

Điều này cũng khó trách các đoàn cứu trợ, bởi hầu hết họ là những người lạ, chủ yếu nắm bắt thông tin qua báo chí và từ chính quyền địa phương. Trong khi đó, tâm lý của chính quyền, đặc biệt ở các cấp huyện, xã, thôn, đâu đó vẫn còn tồn tại sự mong muốn người dân địa phương của mình được hỗ trợ nhiều nhất.

Để tránh và hạn chế tình trạng này, chính quyền các địa phương nên nhanh chóng hình thành một mạng lưới điều phối thật công tâm để hướng dẫn các đoàn cứu trợ đến những nơi thực sự cần thiết!

Theo Báo Lao Động

Recent posts