Với mỗi giao dịch thanh toán bằng MoMo, Đông Tây Barbershop trích 5.000 đồng để đóng góp cùng Quỹ Hy vọng xây 3 phòng học mới tại Điện Biên.
Đây là dự án hợp tác nhằm xây phòng học mới tại trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Tân Lập, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.
Theo đó, mỗi giao dịch thanh toán bằng MoMo của khách hàng tại các cơ sở thuộc chuỗi cắt tóc nam Đông Tây Barbershop, sẽ đóng góp 5.000 đồng vào Quỹ Hy vọng để tiến hành triển khai dự án.
Chiến dịch của Quỹ Hy vọng đặt mục tiêu góp 720 triệu đồng trên tổng ngân sách 1,1 tỷ đồng để xây 3 phòng học, phần còn lại do địa phương đối ứng. Dự án dự kiến khởi công vào cuối học kỳ 2 của năm học 2024-2025 và hoàn thành trước thềm năm học mới 2025-2026 kịp đón học sinh vào ngày khai giảng.
Đồng hành cùng Quỹ Hy vọng trong dự án xây trường, lớp mới cho trẻ vùng cao, đại diện Đông Tây Barbershop cho biết muốn lan tỏa các giá trị yêu thương đến cộng đồng, trong đó có các khách hàng, giúp học sinh vùng cao cải thiện chất lượng học tập.
“Chúng tôi ấp ủ điều này từ lâu và thật ý nghĩa khi được đồng hành với Momo và Quỹ Hy vọng, mong sẽ xây được thêm thật nhiều trường mới cho vùng cao khó khăn”, đại diện chuỗi cắt tóc nam chia sẻ.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tân Lập cách trung tâm huyện Điện Biên Đông khoảng 40 km. Trường có 712 học sinh, 100% là dân tộc Mông. Điểm tiểu học có 10 lớp bán kiên cố, 2 phòng học ghép tạm bằng gỗ và 3 phòng lợp tôn.
Trường nằm ở Háng Lìa – một xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Đây là khu vực có địa hình chia cắt phức tạp nên giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt vào mùa mưa lũ, nguy cơ sạt lở cao gây nguy hiểm cho an toàn và tài sản của người dân.
Theo thầy Bùi Quang An, hiệu trưởng nhà trường, từ năm 2014 số học sinh mỗi năm một tăng, trường rơi vào tình trạng thiếu phòng vì quá tải, thầy cô phải dựng tạm các lớp học bằng gỗ, tôn để đón học sinh tới trường.
Suốt hơn 10 năm, đến nay các công trình đã xuống cấp trầm trọng. Những bức tường lắp ghép bằng gỗ bị cong vênh tạo nên nhiều kẽ hở, mối mọt, mục nát. Để tránh bị dột hay mưa tạt vào lớp, thầy cô phải chắp vá bằng những tấm bạt, nilon.
“Dù vậy với thời tiết khắc nghiệt ở Điện Biên Đông, những phòng quây tôn đều bị rách nát, thủng nhiều chỗ sau nhiều trận mưa to, gió lớn”, hiệu trưởng nói. Ttrường không có kinh phí để xây mới lớp học.
Nhờ có quỹ Hy vọng và các nhà tài trợ, học sinh sớm có lớp học khang trang, cải thiện chất lượng học tập, thoát nghèo nhờ tri thức.
Hơn 5 năm dạy học tại trường, thầy Giàng A Sử, giáo viên dạy văn hóa khối tiểu học cho biết vào những đợt nắng nóng 37-38 độ C, thầy phải đưa học trò đi tắm giờ ra chơi để giải nhiệt.
“Nhà trường không có khu nhà tắm riêng nên hàng trăm em xếp hàng lần lượt. Riêng các em học lớp gỗ, lợp tôn được ưu tiên”, thầy Sử nói.
Tường và mái của các phòng học ở trường hầu hết lợp tôn nên rất nóng. Trong lớp, các thầy cô liên tục cho học trò hạ nhiệt bằng khăn ướt nhưng vẫn không bớt nóng. Hoạt động cho học sinh đi tắm mát giữa giờ được duy trì 4-5 năm nay.
Theo VNE