Search
Close this search box.

Hỗ trợ sinh kế cho người dân hậu thiên tai

Chỉ trong vài giờ đồng hồ ngắn ngủi, bão Yagi đã quét đi tài sản một đời tích cóp của nhiều người dân. Các địa phương đang tập trung cao độ khắc phục hậu quả thiên tai, giúp người dân ổn định cuộc sống, khôi phục sản xuất.

Có mặt ở nhiều tỉnh thành chịu ảnh hưởng của thiên tai như Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Giang, Hà Nội… phóng viên Báo điện tử Chính Phủ đã ghi nhận những khó khăn của người dân nơi đây.

Ngổn ngang khó khăn hậu thiên tai

Tân Phượng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái) với hơn 90% người dân là đồng bào dân tộc Dao. Sau trận sạt lở núi kinh hoàng chiều 9/9, bản làng yên bình của 428 hộ dân giờ đây hoang tàn, đổ nát và vẫn phải đối mặt nguy cơ sạt lở.

Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Phượng Triệu Thị Thiện cho biết, đến chiều ngày 13/9, con đường giao thông huyết mạch duy nhất vào xã mới được khơi thông. Riêng 2 thôn Khe Bím và Khiểng Khun vẫn bị cô lập hoàn toàn, 54 hộ dân thôn Khe Bím được chính quyền hỗ trợ di dời sang nơi khác để đảm bảo an toàn.

Toàn bộ diện tích hoa màu của bà con xã Tân Phượng đều bị hư hỏng nặng, con đường giao thông vừa khánh thành là tài sản quý giá của cả xã được đầu tư bởi Chương trình 135 cũng bị thiệt hại đáng kể.

Bà Thiện mong rằng, các cấp các ngành sẽ có những chính sách quan tâm hỗ trợ bà con về nhà ở cũng như hoa màu, đường giao thông để cuộc sống của người dân sớm ổn định trở lại.

Bần thần trước những gì còn sót lại sau cơn bão số 3, bà Lã Thị Bìa (thôn Khau Nàng, xã Minh Chuẩn, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) nghẹn ngào: “Nhà cũng mất rồi không còn ở được nữa”.

Là hộ nghèo của xã nên thứ tài sản đáng giá nhất trong gia đình bà Bìa là con trâu, con bò cũng bị chết hết. Toàn bộ hoa màu đều chôn vùi sâu dưới lớp bùn đất chẳng thể cứu vớt.

Đến giờ, bà Bìa cũng chưa biết xoay xở ra sao trước thiệt hại này. Cuộc sống giờ đây chỉ trông chờ vào đồ cứu trợ và số tiền mà UBND xã Minh Chuẩn hỗ trợ cho các hộ dân ổn định sau thiên tai.

Cần kế hoạch dài hạn phục hồi sản xuất, ổn định đời sống

Dù đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi lũ tràn về, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Tâm Hương, do ông Nguyễn Đình Tâm (TP Tuyên Quang) làm giám đốc, vẫn không tránh khỏi những thiệt hại nghiêm trọng. Ước tính ban đầu cho thấy tổng thiệt hại về cơ sở vật chất và hàng hóa tại hai cửa hàng cùng các khu vực trồng trọt, chăn nuôi lên tới hàng tỷ đồng.

Hỗ trợ sinh kế cho người dân hậu thiên tai- Ảnh 2.
Cơ sở sản xuất ván bóc của bà Quý (Bắc Giang ) thiệt hại nặng nề – Ảnh: Văn Hiền/VGP

Theo ông Tâm, mất mát lớn nhất của hợp tác xã là các thiết bị bảo quản thực phẩm tươi sống, đặc biệt là tủ lạnh và hệ thống làm mát, đều hư hỏng hoàn toàn, buộc phải thay thế bằng các thiết bị mới. Đáng chú ý, 10 ha rau củ quả hữu cơ cùng trang trại chăn nuôi lợn đen bản địa, lợn rừng lai và gà đen an toàn sinh học tại các xã Hồng Thái, Thanh Tương và Sơn Phú (huyện Na Hang) cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ cơn lũ.

Mặc dù chưa thể thống kê chính xác toàn bộ thiệt hại, ông Tâm đã nhanh chóng bắt tay vào khôi phục sản xuất, đảm bảo nguồn cung ứng hàng hóa cho thị trường. Tuy nhiên, điều ông trăn trở nhất là làm sao lập kế hoạch dài hạn để phục hồi bền vững sau thiệt hại to lớn mà lũ lụt đã gây ra.

“Với nguồn lực hạn chế, chúng tôi cần sự trợ giúp từ chính quyền và các tổ chức xã hội để không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt mà còn xây dựng kế hoạch phát triển bền vững hơn trong tương lai”, ông Tâm nói.

Tại huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang, hàng chục ha keo trưởng thành và nhà xưởng ván bóc của bà Vy Thanh Quý đã bị cơn bão cuốn trôi hoàn toàn, gây thiệt hại nghiêm trọng. Không chỉ mất mát tài sản cá nhân, bà Quý còn phải đối mặt với việc hơn 30 lao động địa phương mất việc làm, thu nhập từ 5-7 triệu đồng/tháng của họ cũng tiêu tan sau trận bão.

Chia sẻ về hoàn cảnh khó khăn, bà Quý bộc bạch: “Tôi vay hơn 1 tỷ đồng từ ngân hàng và người thân để đầu tư máy móc, xưởng sản xuất. Đến nay, số nợ mới trả được 2/3 thì cơn bão ập tới, thiệt hại lên tới gần 1,5 tỷ đồng”.

Không chỉ riêng bà Quý, tại phường Nhật Tân (quận Tây Hồ, Hà Nội), vườn đào của bà Nguyễn Thị Minh Tuyết cũng bị ngập sâu trong nước, khiến toàn bộ vốn đầu tư mấy trăm triệu đồng “mất trắng”. Bà Tuyết lo lắng: “Khi nước rút, đào bị ngập úng, không thể phát triển kịp để phục vụ Tết Nguyên đán 2025”.

Hỗ trợ sinh kế cho người dân hậu thiên tai- Ảnh 3.
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng thị sát diện tích ngập nước tại phường Tứ Liên và động viên bà con trồng quất cảnh bị thiệt hại do mưa lũ – Ảnh: Văn Hiền/VGP

Trao đổi với phóng viên, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Tây Hồ, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết, mưa lũ đã khiến 105ha đào, 35,5ha quất và 20,6ha hoa màu tại các phường Phú Thượng, Nhật Tân, Tứ Liên bị ngập lụt. Ước tính thiệt hại lên đến 132,18 tỷ đồng. Trong số đó, 35,5ha quất bị ngập, thiệt hại khoảng 37,05 tỷ đồng, chủ yếu tại phường Tứ Liên.

Ngay sau khi nước rút, chính quyền địa phương đã khẩn trương triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống. Chính quyền cam kết sẽ hỗ trợ tối đa để giúp người dân vượt qua khó khăn sau thiên tai.

Bên cạnh việc hỗ trợ vật chất, Chính Phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan ban ngành có liên quan thực hiện các chính sách hỗ trợ dài hạn. Sáng 15/9, thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị về khẩn trương khắc phục hậu quả bão Yagi, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, khôi phục sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Hội nghị với các địa phương nhằm đánh giá sơ bộ công tác lãnh đạo, chỉ đạo ứng phó, khắc phậu hậu quả bão; triển khai các giải pháp nhằm 4 mục tiêu lớn: khẩn trương khắc phục hậu quả bão; nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân; khôi phục sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tại các địa phương, các chính sách hỗ trợ về tài chính, giống cây trồng, vật nuôi và hướng dẫn khôi phục sản xuất sau lũ đã nhanh chóng được triển khai, giúp người dân có điều kiện tái thiết lại cuộc sống và sản xuất. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ về giáo dục, y tế và an sinh xã hội đã được áp dụng để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau sau thiên tai.

Các địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch dài hạn để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai trong tương lai, bao gồm việc tăng cường hệ thống phòng chống lũ lụt, củng cố cơ sở hạ tầng và tăng cường công tác dự báo, cảnh báo sớm cho người dân.

Dù con đường phía trước còn nhiều thử thách, nhưng với sự nỗ lực không ngừng của người dân, cùng với sự đồng hành của Chính Phủ, hy vọng rằng các địa phương chịu ảnh hưởng bởi thiên tai sẽ sớm khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống sau. Thiên tai có thể cuốn đi nhiều thứ, nhưng tinh thần kiên cường và ý chí vượt khó của người dân Việt Nam thì không bao giờ bị khuất phục. 

Theo Báo Chính Phủ

Recent posts