Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định từ nay đến cuối năm có thể xuất hiện từ 6 – 8 cơn bão, áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực Biển Đông, trong đó có khoảng 3 – 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta.
Hiện mưa tại các tỉnh phía Bắc đã giảm, lũ trên các sông cũng xuống dần, nhưng tình hình thời tiết trong những ngày tới ra sao là vấn đề đang được quan tâm.
Đặc biệt theo các mô hình dự báo hiện nay, ENSO chuyển từ El Nino sang La Nina, có nghĩa mưa bão sắp tới xảy ra nhiều hơn.
Bắt đầu cao điểm mưa bão
Các dữ liệu khí tượng ghi nhận những năm có hiện tượng La Nina hoạt động mạnh thì những đợt gió mùa đông bắc hoạt động liên tục với cường độ mạnh (không khí lạnh tăng cường) là điều kiện gây ra mưa ở các tỉnh khu vực phía Bắc.
Theo dự báo, vào cao điểm mưa bão tháng 9 và 10, Bắc Bộ mưa cao hơn 10 – 30% so với trung bình nhiều năm. Riêng khu vực Tây Bắc thấp hơn từ 10 – 20% so với trung bình nhiều năm.
Cũng theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, khu vực Trung Bộ trong tháng 10 sẽ là cao điểm mưa, lượng mưa cao hơn từ 20 – 40% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Đến tháng 11, Trung và Nam Trung Bộ mưa cao hơn 10 – 30% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trong khi đó, Tây Nguyên và Nam Bộ trong cao điểm mưa tháng 9 đến tháng 11, lượng mưa cao hơn 5 – 30% so với trung bình nhiều năm.
Với việc La Nina xuất hiện, dự báo bão sẽ tập trung nhiều vào giai đoạn cuối năm, nhiều bão hình thành trên Biển Đông và tác động nhanh hơn đến đất liền.
Tuy nhiên theo quy luật khí tượng, vào thời điểm từ cuối tháng 9 đến cuối năm, mưa tại khu vực miền Bắc chủ yếu do gió đông bắc mạnh (không khí lạnh tăng cường).
Không khí lạnh tràn về gây mưa nhưng đồng thời cũng tác động khi Biển Đông xuất hiện bão, làm hướng di chuyển các cơn bão thường vào khu vực miền Trung và Nam Bộ.
Đặc biệt khu vực miền Trung được nhận định vào cao điểm mùa mưa từ tháng 9 nếu có bão thì khả năng có mưa lớn, ngập lụt và nguy cơ lũ quét, sạt lở đất. Theo dự báo, khu vực miền Trung trong giai đoạn nửa cuối năm 2024 có dấu hiệu mưa bão tương tự với mùa mưa bão năm 2020.
Cũng theo dự báo từ nay đến cuối tháng 9 bước qua đầu tháng 10, hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Biển Đông khả năng ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Cụ thể có khoảng 2 – 3 cơn bão hoạt động ở Biển Đông và 1 cơn đổ bộ vào đất liền.
Triều cường ở Nam Bộ bắt đầu cao
Theo chuyên gia dự báo thời tiết Lê Thị Xuân Lan, từ tháng 9 trở đi, triều cường ở Nam Bộ cũng bắt đầu cao. Những cơn mưa kết hợp triều cường càng gây ngập nặng các vùng trũng thấp, ven sông rạch. Ngay trong đợt mưa này cũng trùng với thời điểm triều cường lên cao.
Cụ thể đỉnh triều cao nhất đợt này có khả năng xuất hiện vào ngày 19 đến 21-9. Tại trạm Phú An (Nhà Bè) ở mức 1,55 – 1,63m (xấp xỉ hoặc thấp hơn báo động 3 khoảng 0,05m). Tại trạm Thủ Dầu Một (sông Sài Gòn) ở mức 1,58 – 1,65m (xấp xỉ hoặc cao hơn báo động 3 khoảng 0,05m). Tại trạm Biên Hòa (sông Đồng Nai) ở mức 1,78 – 1,83m (xấp xỉ báo động 1).
Thực tế mưa lớn những ngày qua ở đầu nguồn, nước trên sông Đồng Nai – La Ngà đang lên. Đài dự báo khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ đã phát bản tin cảnh báo có khả năng xảy ra lũ gồm sông La Ngà, đoạn thượng lưu sông Đồng Nai đến các huyện Định Quán, Tân Phú; cần đề phòng khả năng có mưa lớn kết hợp với lũ gây ngập lụt, sạt lở bờ sông, suối các vùng trũng thấp (mức độ rủi ro thiên tai cấp độ 1).
Còn tại miền Tây, đỉnh lũ năm nay có xuất hiện vào cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10. Trong những ngày qua do mưa lớn sau bão xảy ra ở khu vực thượng nguồn sông Mekong nên mực nước năm nay có thể cao hơn đôi chút.
Theo quy luật, càng về cuối năm bão càng có xu hướng dịch xuống phía Nam. Do đó Nam Bộ có khả năng chịu ảnh hưởng trực tiếp của ít nhất 1 – 2 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới. Tuy nhiên cường độ, hướng đi của bão sẽ bị tác động nhiều với sự xuất hiện của không khí lạnh mạnh hay yếu.
Có thời điểm bão xuất hiện trên Biển Đông bị đợt không khí lạnh mạnh tác động làm hướng di chuyển chếch về hướng nam, thậm chí “chết yểu” trên biển.
Long An: mưa lớn kèm dông lốc làm tốc mái nhiều căn nhà
Thông tin từ UBND huyện Tân Hưng (tỉnh Long An) cho biết tối 13-9, trên địa bàn một số xã như Hưng Điền B, Thạnh Hưng, thị trấn Tân Hưng (huyện Tân Hưng) xuất hiện mưa lớn kèm theo dông lốc đi qua đã làm tốc mái 5 căn nhà của người dân, gãy đổ một số trụ đèn quảng cáo trên đường. Ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 150 triệu đồng.
Mưa dông cũng làm ông Trần Văn Bình (42 tuổi, ngụ thị trấn Tân Hưng) đang chạy xe gắn máy trên đường bị ngã, dẫn đến chấn thương. Ông Bình sau đó được người dân đưa đến Trung tâm Y tế huyện Tân Hưng cấp cứu, hiện sức khỏe của ông đã ổn định.
Theo Báo Tuổi Trẻ