Chỉ trong thời gian ngắn, hai cơn bão liên tiếp đổ bộ vào nước ta gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng đối với nhiều địa phương khu vực miền Bắc và miền Trung. Bão và hoàn lưu sau bão đã gây thiệt hại lớn về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân.
Với đạo lý “bầu ơi thương lấy bí cùng…” và truyền thống nhân ái “nhường cơm sẻ áo”, trong những ngày qua, các địa phương bị thiệt hại đã nhận được nhiều sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp; các cơ quan, đơn vị LLVT; các tổ chức chính trị-xã hội; các nhà hảo tâm, bạn bè thế giới, cùng các tầng lớp nhân dân với những hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần.
Khắc phục hậu quả nặng nề về cơ sở hạ tầng sau bão, lũ là nhiệm vụ cấp bách trước mắt. Ảnh minh họa: qdnd.vn |
Trong cơn hoạn nạn, dăm cân gạo, mươi thùng mì ăn liền, vài chục chai nước ngọt… và những đồ dùng thiết yếu đều rất đáng quý, đáng trân trọng. Bởi chính tình thương yêu, đùm bọc của đồng bào cả nước với tấm lòng nhân hậu, thân ái sẽ góp phần giúp đỡ, động viên bà con vùng lũ vượt khó, vươn lên, sớm ổn định cuộc sống. Tinh thần “tương thân tương ái” là điều đáng trân trọng, nhưng việc làm đó phải có sự phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, không nên hành động theo cảm tính, có như vậy mới phát huy được tính hiệu quả, thiết thực. Sau bão, lũ, ngoài lương thực, thực phẩm thì thứ người dân cần là thuốc men, dụng cụ y tế; sách vở, quần áo học sinh; các loại vật liệu xây dựng, những dụng cụ thiết yếu phục vụ sản xuất, sinh hoạt…
Khắc phục hậu quả nặng nề về cơ sở hạ tầng sau bão, lũ là nhiệm vụ cấp bách trước mắt, nhưng không thể không tính đến giải pháp toàn diện, kế sách lâu dài. Muốn vậy, các địa phương, nhất là những địa phương miền núi và vùng ven sông, biển cần xây dựng các kịch bản rủi ro thiên tai đến cấp thôn, bản, xóm, làng, trong đó chỉ ra hướng rủi ro thiên tai đến, hướng thoát hiểm và phương án tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra. Các địa phương cần coi trọng vấn đề quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, vùng dân cư tránh những khu vực có thể gây sạt lở, ngập lụt và lũ quét.
Cùng với việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách về phòng, chống, ứng phó thiên tai, các địa phương cần tăng cường năng lực chỉ đạo, điều hành, khả năng thích ứng, ứng phó, dự báo, cảnh báo. Mặt khác, Nhà nước cũng cần có các chính sách hỗ trợ người dân về nhà ở theo hướng thích ứng, ứng phó thiên tai; tập trung nâng cao khả năng dự trữ nước của các hồ, đập, xây dựng các kịch bản vận hành chung và đặc thù phù hợp với từng hồ, đập, từng thời điểm, từng địa bàn… để chủ động phòng tránh và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo Báo Quân Đội Nhân Dân